Một số lưu ý khi chọn mua xe ô tô cổ Volkswagen Beetle (con bọ)


1/ Trừ dòng New Beetle, còn các con bọ hiện nay ở Việt nam hầu hết là xe đã được sản xuất trước năm 75. Em không dùng chữ xe cổ, vì xe beetle không được xếp vào dạng xe cổ. Các club beetle trên thế giới chỉ gọi là chơi Con Bọ. Khái niệm xe cổ đôi khi người ta cũng dùng để gọi vài model xưa, trước 1960, nhưng việc phân loại này cũng không có tiêu chuẩn nào rõ ràng. Một câu nói nữa mà bác có thể hay gặp là 'The Volkswagen is not a car, it's a Volkswagen'.


2/ Xe con bọ hầu như không có giá thị trường tham khảo như các xe secondhand đời mới. Mặc dù giá xuất xưởng của xe không cao (vài ngàn usd), nhưng người ta vẫn sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn cả giá xe mới để sở hữu một em beetle vì đơn giản là hiện nay dòng xe này không còn được sx nữa. Sau nhiều năm gắn bó với thú chơi Bọ, người ta có thể nghiệm ra một điều rằng, giá tiền bỏ ra cho một em Bọ CHÍNH LÀ GIÁ TIỀN BẠN SẴN SÀNG BỎ RA ĐỂ TRẢ CHO MỨC ĐỘ ĐAM MÊ VÀ SỞ THÍCH CỦA CHÍNH MÌNH khi đứng trước một em bọ nào đó. Vì lẽ này, khó mà thống nhất ý kiến về chuyện giá cả. Cảm giác của bản thân em khi xem nhiều xe con bọ là: 'Con này cho không cũng không lấy, may ra về gỡ phụ tùng'. Nhưng khi liếc thấy nhiều em xe khác thì lại nổi điên vì thèm, quay xe máy đuổi theo mà nhìn cho đã mắt chẹp chẹp, giá chủ xe có nói giá hơn chục ngàn thấy cũng chẳng mắc tí nào. Vì lẽ này, những người đang có ý định 'thử' chơi một em Bọ thường nhận được lời khuyên: 'Có yêu nó thì hẵng dính vào, không thì lại trách'.

Rất nhiều người có đam mê mãnh liệt với dòng xe Beetle. Trước đây trong hội VW sài gòn có một bác người Singapore tên VN là bác Sáu đầu tư cả trên 50K vào chiếc con bọ hiện nay vẫn thỉnh thỏang còn chạy ở SG (Bác hiện nay đã già và rất yếu không còn tự chạy xe được). Anh Thái Thành Huy chủ nhân con bọ màu đen các bác đã xem trên room này (mấy bài hồi đầu tiên) thì vừa bỏ ra gần 30K Mỹ để nhập một em bọ từ Mỹ về vì quá mê model 1303 mui trần (phải nhập vì trong nước hầu như không còn xe đồ zin). Bản thân em cũng nhiều lần mất ăn mất ngủ vì săn lùng mấy em bọ. Mỗi em có một nét duyên không pha lẫn. Mỗi lần phải lòng một em bọ, là cái cảm giác vừa dính tiếng sét ái tình, cứ ôm mối tương tư chỉ mong mau mau được gối kề tay ấp.

Được cái phụ tùng xe beetle giờ có thể nhập được từ nhiều nguồn, nên con bọ ở VN vẫn lại có thể long lanh khoe sắc trên khắp nẻo đường. Có thể nói, ít chiếc xe nào mang lại cho những chủ nhân của nó sự tự do và phóng khoáng trong thú chơi như xe con bọ. Con bọ có thể được sơn bất kỳ màu sắc nào cũng đẹp, thậm chí bôi vẽ loang lổ lòe loẹt hay nguệch ngoạc khắp xe cũng chẳng sao (Rat-style - not in VN, of course!). Người ta có thể thay bánh, thay máy, độ hộp số, biến đổi hình dạng xe đủ kiểu, nâng gầm, hạ gầm, cắt ngắn, kéo dài... Có những người lại chăm chút đi gom nhặt từng món phụ tùng để đưa con xe về lại càng nguyên thủy như lúc ẻm xuất xưởng càng tốt, mỗi lần gặp bạn bè lại lôi tay đến chỉ món đồ sung sướng khoe cùng. Nói thật với các bác, em đã chạy thử nhiều xe đời mới, nhưng cuối cùng vẫn dừng lại ở em bọ vì các xe đời mới với em chạy thì quá sướng, nhưng không yêu. Em bọ thì nó làm em sướng nhưng cũng cho em nhiều nỗi khổ đau nhưng em lại yêu tha thiết. Thói đời nó thế, chẳng biết ra làm sao nữa. Em không đả kích xe đời mới tí nào nhé, chỉ là sở thích dở người của em thôi. Nếu ngồi đời mới mà va vào đâu, em chưa bao giờ thấy xót vì bảo hiểm lo tất, quá lắm, bán đi rước em khác. Còn ngồi bọ mà va một phát thì đau xốn xang gan ruột vì lẽ 'can not undo'.


3/ Cũng vì lẽ 'Cannot Undo' này (chiếc nào là biết chiếc nấy, người ta có còn sản xuất nữa đâu mà mua mới? Hư hỏng một cái là 'Ngàn trùng xa cách' ngay) mà có một số điều các bác cần chú ý khi đi chọn mua một em bọ:

- Bước một: đánh giá bằng mắt một cách sơ bộ. Nếu các bác đã cảm thấy không thích ngay từ cái nhìn đầu tiên: Đừng mất thì giờ. Hãy đi tìm một em bọ khác. Thường thì dù là model nào, xe con bọ cũng rất quyến rũ nếu xe chưa bị tai nạn làm phần thân xe biến dạng. Với những xe đã bị tai nạn va chạm mạnh, thường form xe không còn giữ được nên nhìn vào thấy xấu ngay. Các biến dạng thường gặp: Mũi xe bị lệch sang một bên, nắp capo trước móp hoặc không đều, hoặc lồi lõm do thường bị trẻ em leo trèo; nóc xe không cân, ngay ngắn nếu nhìn từ phía trước; hai vè trước hoặc sau nhìn kỹ không đều (hai bên không giống nhau). Hầu hết các đường nét của con bọ đều là những đường cong, nên khi va chạm biến dạng rất khó phục hồi lại như cũ. Khi xem xe nên đậu xe ở nơi bằng phẳng, có ánh sáng khuếch tán, tránh nắng chiếu thẳng vào xe, đứng thẳng đối diện trước và sau xe để quan sát hai bên phải trái nếu đối xứng hoàn toàn là xe còn giữ form. Kiểm tra mức độ rỉ sét của thân xe. Các vị trí cần quan sát là các chân vè, phần dưới của hai cánh cửa, sàn gầm, chỗ đặt bình accu, vị trí bình dầu thắng khi mở nắp capo trước, bản lề cửa, phần chân kính lái và kính sau.


-Bước 2: Nếu cảm thấy thích ngoại hình của em bọ, có thể sang bước kế tiếp. Mở cửa xe để quan sát bên trong xe. Xem các núm điều khiển trên tablo còn không, đồng hồ tốc độ, đồng hồ xăng, vô lăng, cần số, tay nắm cửa trong ngòai, các núm lật ghế còn nhẹ nhàng không, các núm gạt, núm mở cốp găng tay, núm mở kiếng bung sau xe... thường phải cùng một màu. Người có kinh nghiệm thường muốn các chi tiết trong xe phải càng nguyên thủy càng tốt, kể cả bọc nệm ghế và la phông. Nếu mới chơi bọ, nên nhờ các bác có kinh nghiệm đi cùng để đánh giá các món đồ chơi này. Xe được đánh giá là xe zin sẽ có giá trị rất cao là những xe chưa bị làm đồng lại phần thân xe, chưa vá vè và cánh cửa, máy chưa bung. Lý do: Thợ VN trừ một số thợ chuyên VW gạo cội thì tay nghề rất chuối hoặc không hiểu biết về dòng xe này, phá nhiều hơn là sửa. Rất nhiều em bọ bị mấy thợ này mò vào thì ...tan nát đời hoa. Xe VW cực kỳ đơn giản, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều điều bất ngờ cho những tay thợ sửa xe đời mới. Một em bọ còn zin chưa bị chọc ngoáy bậy bạ sẽ hứa hẹn một chất lượng cao nhất có thể sau khi được o bế bởi những tay chuyên nghiệp.


-Bước 3: Nếu xe còn đang chạy được, hãy ngồi vào xe và thử cảm giác của bạn. Đừng vội nổ máy. Hãy nhắm mắt và cảm nhận những gì bạn có thể cảm nhận sau vô lăng. Chỉnh ghế ngồi vừa tầm, các gương chiếu hậu, đặt tay vào những chỗ bạn muốn, nhìn thẳng ra phía trước, hai bên. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn cảm thấy chiếc xe là dành cho bạn. Bạn sẽ cảm nhận những gì gắn bó giữa bạn và chiếc xe tăng dần kể từ cái nhìn đầu tiên. Nếu bạn không cảm thấy thích thú gì ở bước này, stop.

Kiểm tra và làm quen với hệ thống điện và các nút điều khiển. Kiểm tra các công tắc và bật thử đèn pha, công tắc pha-cốt, xi nhan, gạt nước, còi, để bảo đảm không bị nhầm lẫn khi test xe.


-Bước 4: Hãy kiểm tra cần số để bảo đảm đang ở số 0. Cho chìa khóa vào công tắc. (Chú ý: công tắc máy của xe beetle được thiết kế để buộc bạn phải xoay về vị trí Off nếu muốn đề lại lần thứ hai). Xoay chìa để khởi động động cơ. Bạn có thể phải nhấp nhẹ chân ga khi khởi động (hãy hỏi chủ xe). Nếu động cơ đang nguội, phần lớn xe beetle đều cần phải nhịp vài ga trước khi bạn có thể buông chân ga chạy ralenti mà không tắt máy. Lắng nghe tiếng động cơ để phát hiện các tiếng động lạ (khua gõ xupap, dên, trượt dây curoa khi lên ga, kêu các bạc đạn (vòng bi) quạt gió, dynamo...) Cần chú ý tiếng pô của xe VW luôn có tiếng kêu 'chách chách chách' rất đặc trưng, không phải do lỗi động cơ. Có thể bịt tạm hai ống bô để nghe tiếng máy rõ hơn. Đánh giá mức độ rung lắc của động cơ, màu và mùi khói xả. Nếu động cơ rung nhiều, kiểm tra xem có máy nào chết không. Vù ga vài lần để đánh giá độ nhạy đáp ứng chân ga của động cơ. Tắt máy, bước ra sau xe và quan sát gầm máy xem có bị chảy nhớt không. Nếu gầm máy, hộp số và trục sau khô ráo sạch sẽ là tốt.


-Bước 5: Test drive. Hãy yêu cầu được chạy thử xe nếu có thể. Kiểm tra độ êm của ly hợp, bảo đảm không bị rần, giật khi nhả côn, các vị trí số phải vào nhẹ nhàng, không bị giắt, kẹt. Chú ý hộp số của các đời từ 1961 (VW 1300 đời đầu) trở về trước hộp số là dạng non-synchronized hoặc semi-synchronized (không có bộ đồng tốc hoặc chỉ có bộ đồng tốc cho các số 2-3-4) thì chỉ khi nào xe dừng lại hoàn toàn mới vào được số 1. Nếu máy được chỉnh tốt, khi chạy chậm trong nội thành xe sẽ không bị giật. Nhớ hạ thắng tay và đạp thắng chân vài lần khi mới lăn bánh để kiểm tra thắng. Nếu nghi ngờ về thắng, Stop. Chỉnh lại thắng trước khi thử xe! Hãy chọn một đoạn đường tốt để thử xe ở tốc độ 70-80km/h. Khi ở tốc độ này, kiểm tra hộp số xem có bị hú không (hộp số bị hú có tiếng kêu o o o rất khó chịu, và rất khó khắc phục). Buông hẳn ga đột ngột vài lần - nếu cần số không bị trả về mo là còn tốt. Chịu khó test xe ở mấy đường lằn giảm tốc, nếu xe không quá xóc, đuôi xe không bị sàng nhiều thì bạn cực kỳ may mắn là người sở hữu một chiếc xe có giàn gầm tốt. Một số xe từ đời 1967 (với model 1500) và tất cả các xe model 1302-1303 được trang bị CV Joint (bạc đạn nhào) thì không bị hiện tượng sàng đít xe khi qua lằn giảm tốc. Chú ý độ rung lắc của vô lăng, độ đầm của mũi xe và cố gắng cảm nhận càng nhiều càng tốt cảm giác sau tay lái. Những người có duyên với em bọ sẽ bị chinh phục bởi tiếng động cơ nhè nhẹ và cảm giác mặt đường rất thực. Trên cả tuyệt vời.


Sau khi đã thực hiện các bước trên và trả xe về chỗ cũ, các bác có thể kiểm tra gầm máy một lần nữa xem có rò rỉ nhớt không. Mở capo sau xe và kiểm tra nhiệt độ của máy. Nếu vẫn còn chạm vào được pulley hoặc cây thăm nhớt mà không bị phỏng tay là OK. Đóng nắp capo lại và đi một vòng để ngắm nghía lại cô dâu tương lai một lần nữa. Kiểm tra vỏ (lốp xe) và những chi tiết khác. Hãy nhớ: mọi chi tiết sẽ phải thay thế sẽ đều được quy thành $$$. Hỏi chủ xe về lý lịch của em bọ, giấy tờ xe, kích cỡ vỏ xe trong sổ đăng kiểm và thực tế (rất quan trọng vì chủ xe thường thay vỏ khác với trong sổ, do loại lốp 560-15 hiện rất khó tìm, xxx thường canh ne bắt vụ này), mức độ ăn xăng, các bệnh thường gặp (các chủ xe đàng hòang sẽ nói cho các bác biết rõ bệnh của từng em), các phụ tùng đã thay thế, các gara thường làm xe, tên thợ... Các phụ tùng theo xe, owner manual nếu có.


Thường thì đối với các em bọ, tình trạng phần body (xác xe và đồ rời - phụ kiện gốc theo xe) là quan trọng hơn cả. Kế đến là hộp số và dàn gầm. Máy xe không ngon - không thành vấn đề: các thợ chuyên VW hiện nay có thể thực hiện mọi sửa chữa trung đại tu máy trong vòng tuần lễ ngon lành. Nhưng nếu phần xác (body) xe không ngon, thì đây thực sự là vấn đề - cannot undo. Nhớ: các em thì "phần xác quan trọng hơn phần hồn" Hộp số là phần khó nhai kế tiếp. Một hộp số VW khi xuất xưởng guarantee cho bạn 300.000 miles trouble-free nhưng nếu phải bổ hộp số để sửa chữa, ngay cả khi được thực hiện bởi thợ chuyên nghiệp của các dealer ngày trước, thì ngay lập tức tuổi thọ giảm xuống chỉ còn guarantee trong 80.000 miles! Các bác chú ý nhé.


Một thắc mắc thường gặp của các bác mới chơi con bọ là phần máy lạnh. Động cơ của con bọ công suất không lớn, chỉ từ 36-50 Hp nên việc gắn máy lạnh sẽ làm giảm công suất máy rất nhiều, mặc dù rất nhiều người tìm cách gắn dàn lạnh vào xe. Trừ những xe được nhà Sx gắn máy lạnh gin theo xe (đây là chi tiết optional - tự chọn - khi mua xe - rất hiếm xe có), các dàn lạnh tự độ chế hiếm khi bảo đảm được chất lượng, độ tin cậy và thường làm ảnh hưởng rất nhiều đến độ an tòan, độ bền của động cơ. Nếu các bác quá đặt nặng vấn đề về dàn lạnh thì con bọ không phải là lựa chọn tốt. Dàn lạnh SX riêng cho VW cũng có thể order qua mạng, đã thiết kế sẵn nguyên comple để lắp cho con bọ, nhưng giá hơi chát, khỏang 2 ngàn thằng Mỹ, nhưng dù sao thì cũng ảnh hưởng tới công suất nhiều, và gây nóng máy - điều kiêng kỵ nhất của động cơ VW. Vả lại khi muốn lắp dàn lạnh, người ta buộc phải khoan cắt gọt dàn đồng để bảo đảm thông gió cho giàn nóng - xót lém. Em thì chả chịu hy sinh 4-5 Hp để kéo dàn lạnh, mà thường chọn màu sơn sáng để đỡ hấp nhiệt khi đi nắng. Vả lại khi xe chạy, hạ kính xuống thì rất OK với em rồi, trừ khi kẹt xe trong nội thành. Dân chơi bọ ngày xưa thường gắn thêm 1-2 quạt gió kiểu tai chuột trong xe là được. Với dân chơi bọ chính hiệu, thì dàn lạnh là cục Ung thư cho động cơ, nên tránh xa nếu muốn xem bọ êm ái vận hành dài lâu ở chế độ mà người ta đã thiết kế ra nó. Đừng vì xe có dàn lạnh mà cộng thêm giá trị cho chiếc xe.


Sau cùng, hãy làm một con tính về các chi phí sửa chữa và phụ tùng thay thế sẽ phải bỏ ra sau khi mua xe. Thảo luận với chủ xe về giá cả. Nhớ: Hãy so sánh tiền mua xe + tiền sửa chữa + chi phí phụ tùng với số tiền mà bạn sẵn sàng trả cho niềm đam mê của bạn. Khi bạn đã quyết định trả một khoản tiền nào đó, đừng bao giờ hối hận vì những gì bạn đã bỏ ra cho niềm đam mê của mình, vì nó là Vô Giá! và không có giá nào là quá đắt! Kinh nghiệm của em: những người quen của em dù luôn mồm kêu khổ sau khi mua em bọ đầu tiên đều tiếp tục tậu Vợ 3, Vợ 4...!!!!, toàn bọ cả!


Tốt nhất với các bác mới có ý định chơi VW mà không rành lắm thì nên cẩu một người đã có kinh nghiệm đi cùng là chắc ăn nhất. Nếu không thể, hy vọng mấy bước trên đây sẽ có thể giúp các bác được phần nào. Chúc các bác sớm được vi vu cùng V2 trong mộng


Một số đường link các bác có thể tham khảo về phụ tùng Con Bọ và các thông tin liên quan:

http://www2.cip1.com/default.asp

http://www.wolfsburgwest.com/

http://www.800luvbugg.com/

http://www.bfyobsoleteparts.com/volkswagen/home.php

http://www.jcwhitney.com/webapp/wcs/stores/servlet/StoreCatalogDisplay?storeId=10101&catalogId=10110&langId=-1

http://www.thesamba.com/

Nguồn: https://www.otosaigon.com/threads/cach-chon-mua-mot-em-bo.391601/

Post a Comment

Previous Post Next Post